Chảy máu chân răng là bệnh lý răng miệng phổ biến, gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể nặng hơn, lây lan sang các răng kế cận, nguy cơ mất răng cao. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có thêm thông tin bổ ích. 

Chảy máu chân răng do đâu-1
Chảy máu chân răng do cao răng*

Nguyên nhân gây chảy máu chân răng

Chảy máu chân răng là tình trạng chảy máu ở phần lợi, nướu, thường xuất hiện khi chải răng. Ngoài chảy máu, người bệnh có thể kèm theo một số triệu chứng như hôi miệng, sưng nướu, ...Chảy máu chân răng có thể là triệu chứng của một trong những bệnh lý về răng miệng như viêm nha chu, viêm nướu, mà nguyên nhân là do:

- Viêm nướu: Răng được bảo vệ và giữ chắc bởi nướu. Viêm nướu thường do vệ sinh không sạch sẽ, tạo điều kiện để mảng bám thức ăn và vi khuẩn phất triển, lâu ngày gây viêm. Triệu chứng của viêm nướu thường là chảy máu chân răng, sung nướu, nướu có màu đỏ, miệng bị hôi.

- Viêm nha chu: Răng được chống đỡ và giữ trong xương hàm bởi tổ chức xung quanh răng gọi là nha chu. Viêm nha chu thường tiến triển lặng lẽ và là nguyên nhân làm răng bị lung lay, thậm chí là mất răng. Triệu chứng của bệnh là chảy máu chân răng do vôi đóng quanh răng, gây viêm.

Chảy máu chân răng do đâu-2
Chảy máu chân răng do viêm nướu*

- Áp xe chân răng: Viêm hốc răng không được điều trị, răng bị vỡ lớn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và tấn công vào chân răng, gây ra ổ mủ hay còn gọi là áp xe. Triệu chứng điển hình của bệnh là chảy máu chân răng. Khi tình trạng đau nhức răng lợi liên tục, sốt toàn thân và sưng vùng mặt, đó có thể là biến chứng nặng của áp xe.

- Bệnh lý về gan thận: Khi gan bị tổn thương sẽ khiến quá trình tổng hợp chất đông máu từ vitamin K bị ảnh hưởng, khiến chân răng chảy máu.

- Thiếu chất dinh dưỡng: Ăn uống thiếu chất, nhất là thiếu protein và vitamin C cũng khiến cho xuất huyết dưới chân răng. Ngoài ra, cũng có một số yếu tố tác động khiến chảy máu chân răng đó là sử dụng bàn chải cứng và chải với lực quá mạnh, tạo ra lực ma sát với nướu nhiều hơn và làm cho nướu bị tổn thương.

- Một số nguyên nhân khác như dùng thuốc làm loãng máu, nội tiết tố thay đổi, bị sốt xuất huyết, ung thư miệng, thiếu máu,..cũng gây chảy máu ở chân răng.

Điều trị chảy máu chân răng

Khi phát hiện bị chảy máu chân răng, cần đến ngay cơ sở y tế để khám xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra giải pháp điều trị thích hợp. Nếu chảy máu chân răng là do vấn đề răng miệng, cần phối hợp điều trị kết hợp với giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng cách:

Chảy máu chân răng do đâu-3
Vệ sinh răng miệng đúng cách*

- Chải răng 2 lần/ngày trước khi ngủ và sau khi ăn.

- Chải răng đúng cách, sử dụng chỉ nha khoa, bàn chải lông mềm để làm sạch kẽ răng.

- Không hút thuốc lá, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin C.

- Khám răng định kỳ 6 tháng/lần để làm sạch mảng bám trên răng. 

Nếu chảy máu chân răng là do vấn đề bệnh lý cơ thể, cần đến bệnh viện lớn để khám và tìm ra bệnh để tiến hành điều trị sớm. Hãy chăm sóc sức khỏe răng miệng của mình ngay từ ban đầu để có thể ngăn chặn, phòng ngừa chảy máu chân răng và những bệnh lý răng miệng khác.

 
Top